Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10, hàng trăm nghìn người lao động (NLĐ) đã rời các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ để về quê.
Tình trạng đó gây thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng ở các địa phương này. Hiện nay, các doanh nghiệp đang đối diện với thách thức khủng hoảng nguồn nhân lực, cần sớm có giải pháp kịp thời để bảo đảm phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Nguồn lao động thiếu hụt nghiêm trọng
Những ngày đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Công ty TNHH SV Probe Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 1, TP Thuận An) duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, nhưng chỉ có 30% số lao động tham gia so với trước khi dịch bùng phát. Số lượng công nhân ở lại làm việc thấp dẫn đến năng lực đáp ứng các đơn hàng cho đối tác nước ngoài chỉ đạt 40-50% so với trước. Đây là tình trạng khá phổ biến đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay. Nhiều công ty lên kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, nhưng chỉ có khoảng 50% công nhân đăng ký trở lại làm việc. Nguyên nhân chủ yếu là NLĐ đã về quê hoặc tiếp tục xin nghỉ việc sau thời gian dịch bệnh gây nên nhiều khó khăn về cả đời sống, tinh thần.
Đánh giá về tình hình cung ứng nguồn lao động phục vụ khôi phục sản xuất từ tháng 10 đến cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhận định các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ cần khoảng 50.000 lao động để phục hồi sản xuất. TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng, gây tác động đến hàng loạt chính sách, kế hoạch phục hồi kinh tế. Theo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), trong số 288.000 lao động làm việc thì có khoảng 31.000 lao động đã về quê, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao.
Hỗ trợ, tăng cường kết nối để "giữ chân" người lao động
Chủ động chăm lo và điều chỉnh chính sách đãi ngộ trong và sau khi kiểm soát dịch Covid-19 được xem là giải pháp đúng đắn để "giữ chân" NLĐ. Long An là địa phương có cách làm hay khi đã xây dựng các kế hoạch, phương án, mục tiêu cụ thể để “giữ chân” NLĐ tại các cơ sở sản xuất khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, thiệt hại do dịch bệnh gây ra tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế, tinh thần của NLĐ. Thấy rõ điều này, ngành chức năng tỉnh Long An đã đề nghị các doanh nghiệp nắm chắc tình hình nguồn lao động, tổ chức ứng lương trước một tháng để NLĐ ổn định cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp đã có các biện pháp, cải thiện chính sách cho NLĐ. Chẳng hạn như Công ty TNHH Giày Chingluh với quy mô hơn 35.000 công nhân, đã chi 810 tỷ đồng để trả lương cho NLĐ trong suốt 3 tháng cao điểm dịch Covid-19.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương vừa đăng tuyển lao động, giới thiệu các chính sách hỗ trợ, nguồn thu nhập cao để thu hút lao động, vừa triển khai các giải pháp kết nối lại chương trình liên kết lao động với các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hai khu vực này có nguồn lao động dịch chuyển về quê khi dịch bùng phát chiếm số lượng lớn. Những ngày qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi NLĐ trên địa bàn ở lại tiếp tục làm việc; chính quyền địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh mở cửa, phục hồi SXKD.
Cùng với các chính sách "giữ chân" NLĐ, việc chú trọng đẩy mạnh kết nối cung cầu trên thị trường lao động được các đơn vị xúc tiến, giới thiệu lao động triển khai. Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh Đồng Nai đã triển khai hàng loạt hình thức kết nối cung cầu lao động như: Tổ chức sàn giao dịch trực tuyến, giới thiệu nhu cầu tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai phối hợp các doanh nghiệp tuyển dụng xác định các chính sách hỗ trợ, chăm lo, tạo thuận lợi trong tuyển dụng, như: Phỏng vấn trực tuyến qua internet, xét nghiệm Covid-19 miễn phí, các chính sách bảo hiểm, ứng lương trước, ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19...
Từ đầu tháng 10, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh triển khai Chương trình "Tiếp sức NLĐ" với “gói” việc làm “3 trong 1” (giới thiệu việc làm, hỗ trợ tìm nhà trọ, xét nghiệm Covid-19). Hơn nữa, đơn vị này còn phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức phương tiện vận chuyển, đưa NLĐ trở lại thành phố. Nhờ các chính sách thiết thực, sau một tuần triển khai chương trình đã thu hút 170 doanh nghiệp tham gia, giới thiệu 50.000 vị trí tuyển dụng, cùng các chính sách hỗ trợ để NLĐ lựa chọn.
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nguồn nhân lực lao động cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch" được tổ chức vào đầu tháng 10-2021, nhiều chuyên gia có chung nhận định về các giải pháp để giải quyết nguồn lao động thiếu hụt trầm trọng hiện nay phải thực hiện đồng bộ, sát với nhu cầu, tâm lý, quyền lợi của NLĐ như: Địa phương cần đẩy nhanh mở cửa lại hoạt động sản xuất của các nhà máy, ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ, hỗ trợ giải quyết thất nghiệp, làm tốt các chính sách an sinh xã hội, doanh nghiệp cho ứng tháng lương đầu tiên khi quay trở lại làm việc, tăng cường tuyên truyền việc dịch chuyển về quê ồ ạt gây nguy cơ lây lan dịch bệnh...
“Bảo đảm phòng dịch Covid-19, lương thưởng xứng đáng, phúc lợi cho NLĐ, chính sách làm việc linh hoạt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ gắn với hiệu suất, mức lương tương xứng cho NLĐ... sẽ là những giải pháp căn cơ giúp tạo niềm tin, sự chia sẻ, đồng hành, gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp và NLĐ”, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Talentnet Corporation nêu những kiến nghị, coi đây là cơ hội cải thiện chính sách lao động, bảo đảm “giữ chân” NLĐ trước mắt và lâu dài sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
MINH DŨNG
Comments