top of page
Search
batdongsan3939

Chi co co moi, co dat la "ke thang" trong cac con sot dat

Các chuyên gia nhận định, sau những cơn sốt đất, đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội an cư lạc nghiệp vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Cứ 10 người tay ngang nhảy vào cơn sốt đất, có 8 người chạy theo đám đông bị chôn vốn, thất thoát tiền bạc, thiệt hại lớn.



Cơn sốt đất vẫn âm ỉ tại một số địa bàn của các tỉnh, nhiều địa phương đã liên tiếp đưa ra các cảnh báo về tình trạng này. Mới đây nhất là huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo nghiêm cấm các cán bộ, công chức tham gia môi giới bất động sản, "tiếp tay" cho hành vi đầu tư buôn bán đất.


Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn. Với nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít, trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến tình trạng nợ xấu, mất thanh khoản…


Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Minh - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội - nhìn nhận, hệ lụy của việc sốt đất ảnh hưởng đầu tiên đến những nhà đầu tư lao vào cơn sốt này và những người cuối cùng cũng gánh chịu hậu quả. Người Việt Nam mình có tâm lý đám đông nhưng đến một lúc nào đó, hiện tượng bong bóng bất động sản vỡ thì có thể giá đất sẽ tụt xuống hoặc bán không ai mua.


Cũng theo ông Minh, khi giá đất lên cao cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, khi thực hiện giải phóng mặt bằng, người dân lấy giá giao dịch để đòi hỏi. Chính vì thế, việc thực hiện dự án sẽ bị ảnh hưởng.


Tiếp đó, các nhà đầu tư vào đầu tư dự án cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, các trung tâm thẩm định giá sẽ cao lên, sẽ đẩy giá nhà kinh doanh cao lên. Từ đó, gây hệ luỵ tới việc đảm bảo an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới những người có nhu cầu sử dụng nhà đất.


"Ở Hà Nội hiện nay, chúng tôi ưu tiên phát triển dự án nhà ở xã hội. Để giải quyết tổng thể, chúng ta cần minh bạch thông tin, có sự định hướng, chỉ đạo của chính quyền và định hướng dư luận từ báo chí" - ông Minh nói.


Trao đổi với PV, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, cứ 10 người tham gia thị trường khi sốt đất diễn ra thì có đến 8 người chạy theo đám đông, đa phần là tay ngang, nhà đầu tư F0 mua tài sản lần đầu sập bẫy sốt đất (tương đương 80%). Có rất ít người đứng đằng sau các cơn sốt đất hưởng lợi từ sự tăng giá bất động sản phi mã, chiếm tỉ trọng 20%.


Trong một buổi tạo đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đât” mới đây, ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc LDG Group - cho hay, có nhóm đối tượng đứng đằng sau cơn sốt đất để thổi giá tăng chóng mặt và chỉ có họ được hưởng lợi từ những biến động này.


Ông Khang phân tích, các nhà đầu tư "chết" vì sốt đất do chạy theo đám đông nhưng nắm thông tin chậm hơn, ít kiến thức và non kinh nghiệm. Đồng thời, họ thường dùng đòn bẩy tài chính, cắm nhà (thế chấp tài sản nhà) để gia nhập cuộc chơi vì niềm tin quá lớn. Kẻ thắng trong các cơn sốt đất chỉ có nhóm tạo sốt, cò mồi và một số ít người may mắn.


Vị này khuyến cáo thêm, khác với chứng khoán cần một tỉ trọng dòng vốn tương đối lớn để chi phối thị trường, với thị trường bất động sản, các đối tượng đứng đằng sau cơn sốt đất không phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn có thể tạo sóng thị trường để trục lợi.


CAO NGUYÊN

60 views0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page