top of page
Search
batdongsan3939

Hieu dung quy dinh phap luat ve thu viec

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động (NLĐ) thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ hoặc phải giao kết HĐLĐ đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt HĐLĐ đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.



Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, trong quá trình tư vấn pháp luật cho NLĐ, trung tâm gặp không ít trường hợp người sử dụng lao động và NLĐ giao kết hợp đồng thử việc không đảm bảo về mặt thời gian, gây thiệt thòi về quyền lợi đối với NLĐ trong quá trình thử việc.


Phải tuân thủ về thời gian


Do mới học hết lớp 9, không có tay nghề và lần đầu tiên tìm việc làm nên chị N.T.N. (ngụ xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) ký hợp đồng thử việc với Công ty X. (Khu công nghiệp Long Khánh) với thời gian 10 ngày, công việc là công nhân cắt chỉ. Chị N. thắc mắc, việc giao kết hợp đồng thử việc giữa chị với công ty như vậy có đúng không?


Vấn đề của chị N. được luật sư Hà tư vấn, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện: không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.


Do đó theo luật sư Hà, công việc của chị N. thuộc loại giản đơn, không thuộc loại công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật nên thời gian thử việc của chị theo luật là không quá 6 ngày. Vì vậy, việc chị và công ty ký hợp đồng thử việc 10 ngày là sai về mặt thời gian. Công ty X. giao kết hợp đồng thử việc với chị vượt 4 ngày thì phải trả đủ lương (trả 100% lương) cho những ngày chị thử việc vượt thời gian. Đồng thời, việc vi phạm về mặt thời gian của công ty có thể sẽ bị phạt hành chính từ 2-5 triệu đồng theo quy định của Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ.


Điều 9, Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 quy định, phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ; phạt từ 2-5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: yêu cầu NLĐ thử việc quá 1 lần đối với một công việc; thử việc quá thời gian quy định; trả lương cho NLĐ trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó; kết thúc thời gian thử việc, NLĐ vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết HĐLĐ với NLĐ.


Có thể thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau


Luật sư Hà cho biết thêm, một trong những quy định pháp luật về lao động liên quan đến thử việc mà nhiều NLĐ ít biết là NLĐ có thể thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau trong cùng một doanh nghiệp. Cụ thể, pháp luật về lao động quy định người sử dụng lao động và NLĐ chỉ được giao kết hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ 1 lần đối với một công việc. Tuy nhiên, pháp luật không cấm thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau tại cùng một doanh nghiệp.


Với trình độ đại học, anh V.V.T. (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) ký hợp đồng thử việc 2 tháng đối với chức danh Phó trưởng phòng tổng hợp với Công ty V. (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Do thử việc không đạt yêu cầu, anh T. và công ty tiếp tục ký hợp đồng thử việc lần thứ 2 có thời hạn 1 tháng với chức danh Phó trưởng phòng quản lý văn phòng. Nhận thấy công việc ở công ty nhiều sức ép, lương thấp nên anh T. có ý định khi kết thúc thời gian thử việc sẽ chấm dứt hợp đồng thử việc mà không cần phải báo trước cho dù kết quả thử việc đạt yêu cầu hay không nhưng anh T. băn khoăn không biết trong thời gian thử việc nếu NLĐ hủy bỏ hợp đồng thử việc mà không báo trước thì có bị bồi thường gì không?


Luật sư Hà hướng dẫn, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho NLĐ. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ hoặc phải giao kết HĐLĐ đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt HĐLĐ đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.


“Pháp luật lao động chỉ cấm hành vi người sử dụng lao động và NLĐ giao kết hợp đồng thử việc quá 1 lần đối với một công việc, nhưng không nghiêm cấm việc ký hợp đồng thử việc nhiều lần với từng loại công việc khác nhau trong cùng một doanh nghiệp. Do đó, việc Công ty V. và anh T. ký 2 hợp đồng thử việc đều đảm bảo đúng quy định về thời gian, đối tượng nên không vi phạm pháp luật lao động quy định về thử việc. Đồng thời, trong thời gian thử việc, anh T. có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc mà không cần báo trước vẫn không bị người sử dụng lao động kiện đòi bồi thường” - luật sư Hà nói .


Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai https://vlam.vn/trung-tam-gioi-thieu-viec-lam-dong-nai-t10


Đoàn Phú

137 views0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page