Các chuyên gia dự báo thị trường lao động những tháng cuối năm sẽ từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Thiếu hụt lao động
Tại tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch", ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho hay, về thị trường lao động của TP Hồ Chí Minh, hiện có trên 470.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp FDI với trên 3,2 triệu công nhân.
Nhưng qua tác động của dịch COVID-19 trong 5 tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ…
Trong 5 tháng qua, chỉ có 70 doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" với 600.000 lao động, trong khi đó 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.
Bên cạnh đó, theo dự báo, Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có số lao động khoảng 1,2 triệu người với khoảng 50.000 doanh nghiệp.
Thời gian qua, chỉ có khoảng 3.500 lao động 3 tại chỗ với khoảng 250.000 người, như vậy khoảng 750.000 người phải ngừng việc.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đặt ra việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cùng với sự hỗ trợ của thành phố trong việc chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh/thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ có nhiều khả quan hơn, kỳ vọng thị trường lao động thành phố sẽ từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Mong muốn khai thông chuỗi cung ứng lao động
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, việc phục hồi sản xuất và tiêm vaccine, cần xác định địa bàn trọng tâm trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế, đến thị trường lao động thì cần ưu tiên tiêm vaccine.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, bên cạnh đó, việc tiêm vaccine phải gắn liền với việc cấp chứng nhận thẻ xanh để mỗi người lao động đã được tiêm phải được cấp mã di chuyển an toàn. Có như vậy thị trường lao động mới được lưu thông trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Doanh nghiệp cần chủ động tuyển dụng lao động và động viên người lao động quay trở lại làm việc.
Ông Bình cho biết, doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn. Tuy nhiên, khi người lao động quay trở lại, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ trong bối cảnh họ đã cạn kiệt sau nhiều tháng nghỉ làm. Đó là điều doanh nghiệp nên làm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để tham mưu chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để khuyến khích họ tăng cường đầu tư.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo các trường đào tạo, cả nhà nước và tư nhân tập trung đào tạo lao động để cung cấp lao động cho nhu cầu của doanh nghiệp. Bộ hết sức chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động.
"Chúng tôi mong muốn làm sao để khai thông chuỗi cung ứng lao động, không chỉ lao động phục vụ trong nước mà cả lao động đi làm việc ở nước ngoài" - ông Bình nói.
Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2021 của TP Hồ Chí Minh cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - Thương mại; Dịch vụ phục vụ cá nhân, Bảo vệ; Công nghệ thông tin; Cơ khí – Tự động hoá...
ANH THƯ
Comments